Chùa hương

Chùa hương

Chùa Hương là cách nói trong dân gian, trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa – tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nằm ven bờ phải sông Đáy. Trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này chính là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong.

Quần thể chùa Hương có nhiều công trình kiến trúc rải rác trong thung lũng suối Yến. Khu vực chính là chùa Ngoài, còn gọi là chùa Trò, tên chữ là chùa Thiên Trù (tọa độ: 20°37′5″B 105°44′49″Đ). Chùa nằm không xa bến Trò nơi khách hành hương đi ngược suối Yến từ bến Đục vào chùa thì xuống đò ở đấy mà lên bộ. Tam quan chùa được cất trên ba khoảng sân rộng lát gạch. Sân thứ ba dựng tháp chuông với ba tầng mái. Đây là một công trình cổ, dáng dấp độc đáo vì lộ hai đầu hồi tam giác trên tầng cao nhất. Tháp chuông này nguyên thủy thuộc chùa làng Cao Mật, tỉnh Hà Đông, năm 1980 được di chuyển về chùa Hương làm tháp chuông.

Chùa Chính, tức chùa Trong không phải là một công trình nhân tạo mà là một động đá thiên nhiên (tọa độ: 20°36′47″B 105°44′4″Đ). Ở lối xuống hang có cổng lớn, trán cổng ghi 4 chữ Hương Tích động môn. Qua cổng là con dốc dài, lối đi xây thành 120 bậc lát đá. Vách động có năm chữ Hán 南天第一峝 (Nam thiên đệ nhất động) khắc năm 1770, là bút tích của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (1739-1782). Ngoài ra động còn có một số bia và thi văn tạc trên vách đá.

Chùa Hương và văn học

Chùa Hương là nguồn gợi hứng cho nhiều tác phẩm thi ca Việt Nam, trong số đó nổi tiếng nhất có lẽ là bài hát nói “Hương Sơn phong cảnh ca” của Chu Mạnh Trinh, làm từ thế kỷ 19, xưa nay rất được ca ngợi:

Bầu trời cảnh bụt
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay
Kìa non non, nước nước, mây mây
“Đệ nhất động” hỏi rằng đây có phải!
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lững lờ khe Yến cá nghe kinh

Nhác trông lên ai khéo họa hình.
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt.
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt.
Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây?…

và bài “Chùa hương” của Nguyễn Nhược Pháp, làm vào thế kỷ 20. Bài này đã được ít nhất 2 nhạc sĩ phổ nhạc là Trần Văn Khê và Trung Đức:

Hôm qua đi chùa hương
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy
Em vấn đầu soi gương

Trong bài này ngoài những câu thơ nhí nhảnh như trên, còn có nhiều câu tả cảnh Hương sơn rất sinh động: Réo rắt suối đưa quanh/Ven bờ ngọn núi xanh/Nhịp cầu xa nho nhỏ/Cảnh đẹp gần như tranh/Sau núi oản -gà-xôi/Bao nhiêu là khỉ ngồi/Đến núi con voi phục/Thấy đủ cả đầu đuôi/Chùa lấp sau rừng cây/(Thuyền ta đi một ngày)/Lên cửa chùa em thấy/Hơn một trăm ăn mày…

Tản Đà rất mến cảnh chùa Hương, ông làm nhiều câu thơ rất đặc sắc về cảnh và tình ở đây:

Chùa Hương trời điểm lại trời tô
Một bức tranh tình trải mấy Thu
Xuân lại xuân đi không dấu vết
Ai về ai nhớ vẫn thơm tho.
Nước tuôn ngòi biếc trong trong vắt
Đá hỏm hang đen tối tối mò.
Chốn ấy muốn chơi còn mỏi gối
Phàm trần chưa biết, nhắn nhe cho.
Ông còn có 1 bài thơ nổi tiếng về món đặc sản ở chùa Hương:

Muốn ăn rau sắng chùa Hương
Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa
Mình đi, ta ở lại nhà
Cái dưa thì khú cái cà thì thâm.

Về văn xuôi, có bút ký Trẩy hội Chùa Hương của Phạm Quỳnh…

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương tương truyền là tác giả bài thơ vịnh động Hương Tích như sau:

Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm
Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom
Người quen cõi Phật quen chân xọc
Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm
Giọt nước hữu tình rơi thánh thót
Con thuyền vô trạo cúi lom khom
Lâm tuyền quyến cả phồn hoa lại
Rõ khéo Trời già đến dở dom.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.