Bà chúa kho những điều nên biết

Bà chúa kho những điều nên biết

Có lẽ đối với những người sinh sống ở miền bắc Việt Nam, Bà Chúa Kho là một cái tên khá quen thuộc. Quen thuộc với cả những “con nhang đệ tử” lẫn những người chưa một lần đến “nhờ cậy” bà. Nhưng cũng như những vị thần khác trên đất nước ta, bao phủ quanh nữ thần này là một màn sương huyền thoại dày đặc, mà nhiều khi, chứa đựng khá nhiều mâu thuẫn. Bài viết này của chúng tôi được thực hiện với mong muốn hệ thống lại những vấn đề liên quan tới vị thần này, và đưa ra một số kiến giải sau khi tìm hiểu những tư liệu Hán Nôm hiện còn cũng như công trình nghiên cứu của người đi trước.

I. Tổng quan

Theo hiểu biết của chúng tôi, hiện có hàng chục nơi thờ vị thần mang tên Bà Chúa Kho, nhưng 3 nơi được nhắc tới nhiều nhất là: 1. Đền Bà Chúa Kho (làng Cô Mễ xã Vũ Ninh TP. Bắc Ninh); 2. Đình Giảng Võ (ngõ 612 đường La Thành phường Giảng Võ quận Ba Đình Hà Nội); miếu Bà Chúa Kho (chân Cột Cờ Thành Nam TP. Nam Định).
Cùng mang tên Bà Chúa Kho, nhưng dựa vào thư tịch Hán Nôm cũng như truyền thuyết, có thể khẳng định rằng ba vị thần trên đây là ba nhân vật khác nhau. Trong đó, Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh, theo truyền thuyết, là người thời Lý, Bà Chúa Kho ở Giảng Võ, theo ghi chép trong thần tích, là người thời Trần, Bà Chúa Kho ở Nam Định, theo lời kể dân gian, là người thời Nguyễn. Trong mấy chục nơi thờ tự các bà kể trên, thì Bà Chúa Kho Bắc Ninh chỉ được thờ ở một nơi là làng Cô Mễ Bắc Ninh, Bà Chúa Kho Nam Định chỉ được thờ ở một nơi là chân cột cờ Nam Định, riêng Bà Chúa Kho Giảng Võ thì ngoài nơi thờ chính ở Giảng Võ Hà Nội, còn có hơn 20 nơi thờ khác ở Hà Nội và Nghệ An. Sau đây, chúng tôi xin lược qua về lai lịch của các Bà Chúa Kho như sau:

I.1. Bà Chúa Kho được thờ ở làng Cô Mễ xã Vũ Ninh TP. Bắc Ninh:

Theo truyền thuyết, ngày xưa, vùng Kinh Bắc có lụt lớn, dân chúng khốn khổ, đói khát. Bỗng có người con gái xinh đẹp đến dạy dân trị thuỷ, cày cấy, khiến cho dân cư trở nên đông đúc, làng mạc trù phú, muôn vật tốt tươi. Nghe tin, vua Lý đón bà về cung làm vợ, nhưng sống trong nhung lụa nơi lầu son gác tía, bà vẫn nhớ về quê nhà. Bà xin vua về cố hương để giúp dân làng làm ăn sinh sống. Nhà vua cho bà trông coi các kho lương thực lớn của triều đình ở ven sông Như Nguyệt (sông Cầu) để tiếp tế lương thực cho quân ta chống giặc Tống xâm lược và cai quản số tù binh do nhà Lý bắt được trong chiến tranh. Bà đã dạy những tù binh này nghề làm ruộng. Vì thế, kho lương Bà cai quản ngày càng đầy thêm. Thế rồi, trong một trận đánh với quân Tống, bà đã anh dũng hy sinh, hoá thân vào nền đá của núi Kho. Cũng từ đó, núi Cô Mễ mang tên là núi Kho, làng Thượng Đồng được gọi là làng Lẫm (làng Kho). Để tôn vinh công đức của Bà, nhân dân lập miếu, quanh năm hương khói phụng thờ.

I.2. Bà Chúa Kho ở đình Giảng Võ (ngõ 612 đường La Thành phường Giảng Võ quận Ba Đình TP. Hà Nội)

Theo bản thần tích hiện đang được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và văn bản thần tích được lưu trữ tại ngôi đình này, Bà Chúa Kho là người thời Trần, nguyên quán ở phường Cổ Pháp (phường Đình Bảng thị xã Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Cha Bà dòng dõi họ Lý, tên Lý Quỳnh, giữ chức Điển bộ binh lương. Sau khi lấy vợ, cha Bà chuyển về ở quê vợ tại phường Võ Trại. Lớn lên, Bà vừa xinh đẹp vừa thông minh hơn người, văn võ kiêm toàn. Sau khi lấy Hoan châu Đô đốc bộ Trần Thái bảo, bà theo ông về Hoan Châu. Khi giặc Nguyên Mông sang xâm lược, để giúp chồng yên tâm chống giặc, bà đã ăn mặc giả trai, anh dũng chiến đấu với giặc hơn một tháng trời để giữ trọn kho thóc lúa cùng vàng bạc, khí giới, thuốc đạn. Vua nghe tin, khen tài trí dũng anh hùng, phong Bà làm Khố nương Công chúa Quản chưởng quốc khố Đại phu nhân.

Một thời gian sau, giặc lại sang cướp phá. Vua sai Thái bảo cùng Khố nương Phu nhân về nhậm chức ở phủ Phụng Thiên. Bấy giờ thế giặc ngày một mạnh. Vương bèn phong Thái bảo làm Tiền quân Dực thánh, cho Phu nhân quyền kiêm Phụng Thiên doãn sự vụ. Trong khi chiến đấu, quan Thái bảo đã anh dũng hi sinh. Được tin, Phu nhân vào trong kho, lấy một dải khăn đỏ, che mặt rồi hóa.

Kể từ đó, các đạo quân triều đình trước khi mở kho tiền lương đều phải hành lễ với Phu nhân. Nếu không hành lễ mà tự mở kho ra, thì bao giờ cũng có con rắn lớn thân ngũ sắc cuộn ở trong cửa kho. Vua nghe chuyện, vừa lạ về sự anh linh, vừa tiếc một kì tài, phong làm Chủ khố Phu nhân, sai lập đền để quốc triều thờ cúng tại Giảng Võ trại.
Dân trại Giảng Võ vẫn kính cẩn thờ cúng Bà từ đó đến nay, và trong những năm gần đây, cứ đến ngày 23/12 âm lịch hàng năm, Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam lại phối hợp với Uỷ ban nhân dân phường Giảng Võ, Nhà hát Tuồng Trung ương tổ chức lễ rước bài vị và bát hương thành hoàng làng, cầu cho quốc thái, dân an tại đình Giảng Võ.

I.3. Bà Chúa Kho được thờ ở miếu thờ ở chân Cột Cờ Thành Nam TP. Nam Định

Theo truyền thuyết, Bà vốn tên là Bạch Hoa, được cha là quan Vệ Uý giao cho coi kho thành Nam Định đời vua Tự Đức (1848 – 1883). Trong một trận đánh chống quân Pháp xâm lược vào tháng 12 năm 1873, Bà đã anh dũng hi sinh. Để ghi nhận công lao của bà, vua Tự Đức đã phong tặng mĩ tự “Tiết liệt Anh phong giám thương Công Chúa”, hạ chiếu xây miếu thờ ở chân Cột Cờ Thành Nam.
*
* *

II. Một số vấn đề

Trong ba Bà Chúa Kho trên, thì hai Bà ở Hà Nội và Nam Định có lai lịch thống nhất, rõ ràng, bởi vậy, không thấy có sự mâu thuẫn nào và cũng chưa thấy xuất hiện sự tranh luận giữa các nhà nghiên cứu. Riêng Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh thì lại có khá nhiều công trình đặt những câu hỏi phản biện liên quan tới những vấn đề sau: địa danh nơi đặt đền thờ Bà tại Bắc Ninh; thời điểm xây dựng ngôi đền; thân thế thực sự của Bà v.v. Đó đây, không khỏi có những điều không thống nhất trong cách lí giải. Bài viết này của chúng tôi sẽ dựa trên hai cơ sở: một là tư liệu Hán Nôm được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm; hai là những công trình nghiên cứu của người đi trước. Từ đó, sẽ chọn ra một cách lí giải hợp lý nhất có thể, với mong muốn giúp cho những ai gửi gắm niềm tin vào Bà, sẽ có thể hình dung về Bà một cách có cơ sở nhất trong tình trạng tư liệu hiện nay, cũng như có một hiểu biết cơ bản trong việc tới lễ đền Bà.

II.1. Thời đại

Như trên đã nói, theo truyền thuyết, Bà là người thời Lý, nhưng hiện nay, ở đền thờ bà lại lưu một đôi câu đối cổ có nội dung như sau:
Lê Triều trưởng khố trường hồng điệp
Nữ giới di danh tự phúc thần
(?)
Tại đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh cũng như các kho tư liệu Hán Nôm đều không có thần tích về bà. Bảng tra thần tích theo địa danh làng xã của Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết, Cô Mễ chỉ có thần tích về hai vị thần Trương Hống, Trương Hát; còn theo Thư mục thần tích, thần sắc của Viện Thông tin khoa học xã hội, Cổ Mễ có thần tích của 2 vị là Tam Giang, Quý Minh. Như vậy là, tư liệu cổ duy nhất cho biết về thời đại sống của bà chỉ còn duy nhất đôi câu đối kể trên. Và ngoài lời kể trong truyền thuyết, ta không thể tìm được tài liệu bằng văn tự nào ghi rằng bà là người thời Lý. Có thể thấy độ chênh khá lớn về niên đại sống của Bà Chúa Kho giữa truyền thuyết và câu đối trong đền. Nếu bà là người thời Lý, thì tại sao đôi câu đối lại ghi là triều Lê? Phải chăng, bà là một nhân vật lịch sử với chức trách là một nữ quản kho trong thời Lê, hoặc bà là nhân vật huyền thoại và sớm nhất là đến thời Lê mới có truyền thuyết về bà, nhưng về sau này, với tâm lý phổ biến là muốn cổ hóa các vị thần, nên ai đó đã chuyển mốc thời gian từ thời Lê ngược lên thời Lý và sự “dịch chuyển” này đã được người dân địa phương hưởng ứng một cách hăng hái, nhiệt tình. Đối với công tác nghiên cứu, việc không có bản thần tích cổ nào ghi chép về bà là một sự không may, thì đối với việc lan tỏa quan niệm về cái mốc “thời Lý” của Bà, điều này lại là một “lợi thế”. Và cho đến ngày nay, việc bà là một nữ anh hùng thời Lí đã trở thành đương nhiên, phổ biến đối với mọi người, và chắc chắn sẽ không một ai đặt dấu hỏi về niên đại, nếu như không có sự hiện diện của đôi câu đối trên trong đền thờ.

II.2. Địa danh

Hầu hết những bài viết về Bà Chúa Kho đều ghi đền thờ bà nằm ở thôn Cổ Mễ. Ngay đến những văn bản hành chính của TP. Bắc Ninh hiện nay cũng ghi địa danh trên như vậy. Chỉ một số ít người viết là “Cô Mễ”. Vậy trong hai địa danh trên, đâu là địa danh chính xác? Muốn trả lời câu hỏi này, chúng ta phải dựa trên 2 nguồn thông tin: thư tịch cổ và người dân địa phương. Về thư tịch cổ, theo ghi chép trong 2 tấm bia đá có từ nhà Lê hiện còn ở đình của thôn này là Phụng sự lưu truyền vạn đại, thác bản mang ký hiệu thư viện 21978 – 81 (mặt thác bản 21980) và Tân tạo lập bi tự sự, thác bản mang ký hiệu thư viện số 21982 – 85 (mặt thác bản 21982) đều dựng năm Chính Hòa 2 (1681) hiện đang được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm bia, thì nơi đây có tên là “Cô Mễ” 菰米. Theo Từ Hải, Cô Mễ thuộc loài thảo giống hình cây lúa, mọc ở vùng sinh lầy, hạt có thể nấu thành cơm. Theo tác phẩm Đông Dương thực vật chí (Floregénérale de L’indo – Chine) của MH. Leconte xuất bản tại Paris năm 1922 thì Cô Mễ có tên Việt là “Lúa miếu”, “Cù Niêng” và “Cù Niêng dại”. Sách này còn cho biết thêm hiện “Cô mễ” vẫn có ở nhiều nơi trong vùng Bắc bộ nước ta .

Sách Các trấn tổng xã danh bị lãm viết về địa danh đầu thế kỷ XIX của nước ta còn ghi xã Cô Mễ thuộc tổng Đỗ Xá huyện Võ Giàng phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc.

Đồng Khánh địa dư chí cũng ghi xã Cô Mễ thuộc tổng Đỗ Xá huyện Võ Giàng phủ Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh.
Có thể thấy, từ cách đây hơn hai trăm năm, Cô Mễ đã được nhắc tới trong các văn bia và thư tịch kể trên rồi. Như vậy thì chắc chắn là cái tên Cô Mễ phải có trước thời gian được ghi vào các tư liệu ấy nhiều.

Như vậy là, theo các tư liệu Hán Nôm cổ hiện còn, nơi có đền thờ Bà Chúa Kho có tên là “Cô Mễ”. Còn với nguồn thông tin từ người dân địa phương thì có thể thấy rằng, hiện nay, ngôi đình ở địa phương này vẫn được gọi là đình Cô Mễ, các bô lão ở địa phương cũng đều xác nhận quê hương mình tên là Cô Mễ. Không hiểu vì nguyên nhân nào, mà “Cô Mễ” lại bị gọi nhầm thành “Cổ Mễ” và đã gần như trở thành tên gọi chính thức như ngày hôm nay. Thiết nghĩ, tỉnh Bắc Ninh nên tiến hành điều tra nghiêm túc về tên gọi của vùng đất này và trả lại cho nó tên gọi vốn có của nó, tên gọi gắn liền với một giống lúa mà nhiều khả năng trước đây đã từng là thứ lương thực chính trong vùng, để rồi người dân nơi đây đã lấy giống cây ấy đặt tên cho nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đúng như lời nhận xét của một nhà nghiên cứu tiền bối, “Với nguồn gốc và ý nghĩa tên gọi như thế, Cô Mễ là tên một vùng đất cổ, có nhiều ý nghĩa. Chúng ta không nên nhầm lẫn hoặc đổi thay.”

III. Lễ vật và cách dâng lễ vật lên Bà Chúa Kho Bắc Ninh

Từ khi nền kinh tế của Việt Nam bước vào thời kì “mở cửa”, cùng với sự đi lên của đời sống và sự hưng khởi của ý chí làm giàu, số lượng người đến đền Bà Chúa Kho ngày một đông. Cùng với nhu cầu “vay – trả”, “xin – tạ” của các tín đồ, nhiều tệ nạn như lừa đảo, móc túi, “chặt chém” cũng được dịp làm mưa làm gió tại khu di tích, khiến nhiều người phải lên tiếng than thở, hoặc thậm chí có người còn nặng lời cho rằng hoạt động ở đền Bà Chúa Kho là “mê tín và lạc hậu”, “tiêu phí tiền của cho một ảo tưởng làm giàu”, “buôn thần bán thánh” và “thương mại hóa tôn giáo” v.v. Tuy vậy, mọi người vẫn đến với bà ngày một đông, cùng những lời đồn đại về sự linh thiêng của Bà, mà nội dung chủ yếu là Bà sẽ thưởng cho người có lòng thành và phạt những ai không có thái độ đúng mực.

Vậy các “con nhang đệ tử” nên dâng lễ vật gì, cách dâng lễ vật ra sao để khiến Bà hài lòng và để tâm giúp đỡ? Sau đây là tổng hợp của chúng tôi từ sự tìm hiểu thực địa của bản thân và từ công trình điều tra của một nhà nghiên cứu:

Để vay tiền, một tín đồ trước hết phải chuẩn bị một mâm lễ để dâng lên Bà Chúa, gồm vàng mã, hoa quả, và các đồ thờ cúng, kèm một tờ sớ viết bằng chữ Nho, theo văn phong cổ, thay vì tiếng Việt, ngôn ngữ mà các tín đồ cho là trần tục, không linh thiêng bằng.

Ngoài ra, nếu các tín chủ có lòng cúng thêm các ban khác trong quần thể di tích thì hệ thống đồ mã có hẳn một quy định cụ thể cho từng vị: vàng đỏ cho đức thánh Trần, vàng xanh cho ban Chúa, cành vàng lá ngọc bằng giấy trang kim dâng lên Mẫu, đôi ngựa hầu cúng vào ban Quan Tam phủ…
Trước khi khấn, các tín đồ nên đặt một vài đồng tiền lẻ lên ban thờ, gọi là “nén nhang giọt dầu” cùng một vài đồng lẻ trong các mâm lễ dâng lên Bà. Sau khi hạ lễ, thì thu lại những đồng lẻ này để tặng cho người thân hay bạn bè “lấy lộc”. Nhiều người không tiêu những đồng tiền này, mà trân trọng giữ chúng trong ví cho may mắn.
Khi đặt lễ, càng đặt ở gần bàn thờ Bà Chúa càng tốt. Nếu không chịu được sự chen lấn thì phải đợi đến đêm khi đền bớt đông hẵng lên đặt lễ.

Để kiểm chứng khả năng thành công của việc vay tiền, các tín đồ có thể xin âm dương. Không như việc xin âm dương ở những nơi thờ tự khác, ở ngôi đền này, một tín đồ có thể xin bao nhiêu lần tùy ý, cho đến khi nào xin được mới thôi.

Điều quan trọng là cho dù kết quả của lần vay tiền gần nhất có thế nào, thì vẫn nên trả Bà Chúa Kho một cách hào phóng nhất có thể. Thường là người ta sẽ trả bà bằng hai, ba, năm hay thậm chí là mười lần giá trị đã vay, ngay cả khi việc làm ăn của họ không thuận lợi.

Có một câu hỏi mà mọi người luôn băn khoăn là: “Làm thế nào để việc vay hay “xin lộc rơi lộc vãi” của Bà Chúa Kho được thành công, mà cụ thể là năm ấy có thể làm ăn tấn tới?” Theo những người có kinh nghiệm trong việc “nhờ vả” Bà Chúa Kho, thành công của chuyện vay tiền phụ thuộc vào việc họ có thể hiện được lòng thành khiến cho Bà hài lòng hay không. Nếu thành tâm, thì sẽ được Bà “ban lộc”, còn nếu không, thì hậu quả khôn lường. Một trong những điều kiện để có thể làm Bà Chúa hài lòng là các tín đồ phải tỏ ra hào phóng hết sức có thể. Bởi vậy, không có khái niệm “phí phạm”, cho dù giá trị của mâm lễ có lớn đến đâu đi nữa. Những người chi ly, tính toán khi sắp lễ thường là những người dễ gặp rủi ro cả về vật chất lẫn thể xác, vì sẽ bị Bà phạt. Bởi vậy, đối với các tin đồ, chỉ có hai sự lựa chọn: “Hoặc là hào phóng, hoặc là đừng vay làm gì cho phí công và hao tiền tổn của”.

Với các “con nhang đệ tử”, lòng thành còn được thể hiện qua thái độ và hành vi. Cụ thể là, họ coi các đồ lễ là những cống phẩm dâng lên Bà Chúa chứ không phải là những đồ vật thông thường được bán trên thị trường. Bởi vậy, giá trị của các đồ lễ không quan trọng bằng sự thành tâm của các tín đồ. Muốn được Bà ban lộc thì phải cẩn thận trong mọi hành vi, tiếng nói, tránh làm những điều khiến Bà phật lòng. Với quan điểm ấy, việc không thể dự đoán được kết quả của việc vay tiền cũng như sự rủi ro của việc tiêu tốn tiền của, công sức lại chính là một tiêu chí để Bà Chúa thử thách lòng thành, đồng thời cũng là một cơ hội để thể hiện sự thành tâm. Nếu Bà thừa nhận lòng thành của họ, khoản đầu tư họ bỏ ra sẽ được đền bù xứng đáng, và vì thế những khái niệm như “phí phạm”, “rủi ro” hay “khó lường” không tồn tại trong suy nghĩ của họ nữa, bởi họ càng thành tâm, thì Bà Chúa càng hài lòng, và cơ hội thành công càng lớn. Chính vì tin tưởng như vậy, nên phần đông các tín đồ, cho dù có không vay được tiền như ý, nhưng vẫn trở lại với Bà cùng mâm lễ lớn hơn. Nếu mọi việc không được suôn sẻ, họ thường đổ lỗi cho bản thân không đủ lòng thành, đổ lỗi cho số phận đen đủi không được Bà để mắt, chứ hiếm khi nghi ngờ quyền năng của Bà Chúa. Bởi vậy, thay vì từ bỏ, họ lại trở nên nhiệt thành hơn với Bà, sắp lễ to hơn và đến thăm đền thường xuyên hơn.

Số tiền “vay” đó được cụ thể hóa qua hình thức làm sớ và dâng vàng mã. Mong ước của người đến vay, xin là số vàng mã dâng Bà trên sẽ biến thành tiền thật cho mình. Vay đầu năm thì cuối năm, hoặc nếu làm ăn tốt thì giữa năm “trả”. Những ai sợ không làm lễ “trả” cho Bà Chúa Kho được thì không dám vay mà chỉ xin “lộc rơi, lộc vãi” của Bà và cuối năm cũng đến để “lễ tạ”.

Cuối cùng, là một vài kinh nghiệm “bếp núc” khi đến với Bà Chúa Kho: thứ nhất, vì không phải người viết sớ nào cũng thông thạo chữ Hán, chữ Nôm, nên cũng có trường hợp tên họ, địa chỉ của các đệ tử bị viết sai. Bởi vậy, nếu có thể, nên nhờ những người thạo chữ Hán, chữ Nôm để nhờ viết sớ cho chuẩn xác; thứ hai, nếu chưa sắm lễ dâng Bà Chúa Kho bao giờ, thì nên hỏi những người có kinh nghiệm để tự mua đồ trước từ ở nhà, vì nếu lên đến nơi mới mua lễ hoặc thuê người sắm lễ thì giá mỗi mâm lễ thường đắt gấp hai hoặc gấp ba lần giá thị trường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Related Posts