Thần tích Bà Chúa Kho
Hiện nay, tại Việt Nam, có tới mấy chục nơi thờ Bà Chúa Kho. Tuy các vị thần được thờ cùng mang một tên, nhưng dựa vào thư tịch Hán Nôm cũng như truyền thuyết, có thể khẳng định rằng có tới ba Bà Chúa Kho với niên đại khác nhau. Các nơi thờ chính gồm: 1. Làng Cô Mễ Bắc Ninh thờ Bà Chúa Kho thời Lý; đình Giảng Võ Hà Nội thờ Bà Chúa Kho thời Trần; ngôi miếu chân cột cờ Nam Định thờ Bà Chúa Kho thời Nguyễn. Tuy nhiều nơi thờ như vậy, nhưng theo sự tìm hiểu của chúng tôi, hiện chỉ có duy nhất 1 bản thần tích cổ ghi bằng chữ Hán, chép về vị thần được thờ ở đình Giảng Võ quận Ba Đình Hà Nội. Bản thần tích hiện được lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu bản dịch thần tích trên với bạn đọc.
[1a] THẦN TÍCH TRẠI GIẢNG VÕ
BẢN CHÉP XƯA NGỌC PHẢ CỦA KHỐ NƯƠNG CÔNG CHÚA ANH LINH QUẢN CHƯỞNG QUỐC KHỐ PHU NHÂN THÁNH MẪU HỌ LÝ TRIỀU TRẦN NƯỚC NAM VIỆT
Xưa, hậu duệ Hùng đồ nước Nam Việt truyền đến Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, tổng cộng 349 năm, đến trời Nam có 4 họ Đinh, Lê, Lý, Trần khai sáng hồng đồ, cùng là vua sáng sông núi nước Nam ra trị. Từ đó nam bắc phân cương, thuở ấy có văn thư truyền rằng:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên dĩ định tại thiên thư.
Bắc binh tồn nhược lai xâm phạm,
Uổng thụ đồ lao thủ bại hư.
(Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Rành rành đã định tại sách trời.
Quân Bắc nếu còn đến xâm phạm,
Chịu uổng mệt mỏi, chuốc bại vong.)
Lại nói, bấy giờ cuối triều Lý, thế nước được dựng nên, truyền đến Huệ vương , về già sinh được con gái, phân hiệu là Phật Kim Công chúa, lập làm Nữ quân, niên hiệu Chiêu Hoàng. Bấy giờ triều chính [1b] là do vị quan sáng họ Trần là Cố mệnh lương thần Trần Thủ Độ phụ tá. Chiêu Hoàng vì vậy chuyển ngôi cho họ Trần kế vị. Thời ấy có thơ rằng:
Trần gia bất chiến tự nhiên thành,
Duy chỉ sắc hề hoạn tiếm tranh.
Nhất thống sơn hà thập nhị thế,
Sắc đồng thiên địa thế lưu danh.
(Họ Trần không đánh, tự nhiên thành,
Duy chỉ [nhờ] nhan sắc , mà quan tiếm tranh [được ngôi báu].
Nhất thống sơn hà 12 đời,
Nhan sắc cùng với trời đất, lưu danh đời đời.)
Lại nói, Thời Trần Thái tông nước ta, truyền đời ở phường Cổ Pháp huyện Tiên Du đạo Bắc Giang có một Bộ trưởng cũng là họ phái của vua Lý là Lý Quỳnh và vợ là Trần Thị Đoan. Bấy giờ ông tuổi ngoại ngũ tuần, Thái bà tuổi hơn 40. Vợ chồng đều ở phủ Phụng Thiên Trường An. vua bèn cho Quỳnh công làm Điển bộ binh lương. Vợ chồng ông đều hiền từ nhân hậu có thừa, một gối hương hỏa ba sinh , phong lưu giàu có. Ông tuổi đến sáu mươi, Trần Thái bà mới 50, đã được hai trai, [3a] đều đã thành gia thất với người trong làng. Ông từ khi con trai trưởng thành, lòng chỉ muốn làm điều phúc, một nửa điểm hại người cũng không để ý, một chút lợi cho mình cũng không có lòng riêng. Phàm những việc hưng công, những phép tạo phúc, không gì không hết sức làm. Than ôi! Đạo trời không lường được sự bất ngờ lúc ấy . Từ đó ông bèn hành lễ an táng ở đất ấy . Trải được mấy năm, bấy giờ ông đã ngoại lục tuần. Ông lại lấy một người thiếp ở phường Võ Trại huyện Quảng Đức phủ Phụng Thiên là con gái ông họ Nguyễn, hiệu là Lục Nương, cũng là người phụ nữ đoan trang, nhân từ, hiếu đễ. Ông lấy làm rất yêu. Từ đó ông về chơi ở quê người thiếp . Ông bèn xem xét đất phường ấy, đều là chân tú khí, như hình con thằn lằn, chạy thẳng xuống vùng đồng bằng, theo hướng tây bắc, nước vòng như hình chôn ốc, sao quấn quanh để phù trợ. Mọi tướng đều hợp, [3b] trái phải cùng mở phân phái sông đầm. Ông thấy địa thế ấy ở giữa giới trại, cho là quả là long chính cục . Lúc ấy ông bèn chuyển nhà cũ đem về tại cục ấy ở quê người thiếp, dựng nhà để ở. Từ đó ông ở yên tại đất ấy Ông ở với người thiếp được ba bốn năm, tịnh không thấy có thai. Thế là lòng ông ngầm nghĩ tuổi đã cao, khí suy lực mỏng, nay thấy người thiếp đang còn trẻ, khí huyết mới mạnh, mà việc thai nghén vì sao không có tin. Ông bèn thầm nghĩ rằng, đời người muộn con cũng lắm, cầu tự ấy là việc thường tình trong thiên hạ. Chi bằng tìm hỏi danh lam cổ tự để trai giới, hết lòng thành hành lễ cầu tự, may được điềm lân chỉ , chơi ngọc chơi ngói , há chẳng phải là phúc ư? [4a] Nhân lúc ấy đang tiết xuân, tháng 2, huyện Đường Lâm phủ Ứng Thiên có chùa Quan Âm động Tuyết Sơn rất nổi tiếng linh ứng. Người người trong thiên hạ đều đến cầu ở chùa ấy. Bấy giờ mới có ngày hội, ông cùng Lục Nương, hai vợ chồng cúi đem lễ chay tìm đến chùa, thắp hương hành lễ trước Phật, khấn mong cầu tự. Việc xong, vợ chồng về nhà. Đêm ấy, Lục Nương Thái bà bỗng nhiên mơ thấy một lão ni trao cho Lục nương một con rùa vàng, rồi bảo nàng rằng: “Họ Lý là người phúc dày. Lục Nương cũng có phụ đức lắm vậy. Lòng thành kính, mặt mũi hiền hậu tốt lành, nên cho vật thiêng báu rùa vàng.” Lục Nương lấy làm rất mừng, bèn ôm lấy rùa vàng. Bỗng nhiên tỉnh giấc mộng ấy, lập tức nói với ông. Ông bèn bảo: “Điềm mộng ấy là nàng nhất định có thai con gái. Lòng tôi rất thành, cầu xin tất ứng.” Nói xong, từ đó [4b] Thái bà quả nhiên có thai. Bấy giờ là vào ngày 12 tháng 2 năm Ất Mùi, bỗng thấy một áng mây vàng tròn như hình cái lọng ở trên không phía mái nhà. Tiếng gió nổi lên, vòng quanh một vòng như sấm dậy. Mọi người phường ấy thấy vậy, đều sợ hãi, cùng đến xem. Khi đó Thái bà sinh được một đứa con gái. Lúc ấy gió thơm sực nức, khí lành huy hoàng, bao quanh phòng sinh ba vòng. Mọi người thấy vậy, lấy làm kinh dị, cùng nói rằng: “Không phải tiên nương giáng thế cũng là thánh nữ xuất trần, thì mới có điềm lạ.” Các họ trong phường thấy vậy, liền về kể chuyện huyên náo, rồi ai cũng bỗng nhiên bị bệnh. Nhân dân ngầm nghĩ ông họ Lý ắt sinh ra thần nữ, khí bẩm phi thường. Các họ phường ta tự đến xem, mà đều bị bệnh, là do tại thế. [5a] Chi bằng lập đàn cầu đảo trời đất, khấn rằng: “Nếu quả là thần nữ giáng sinh ở đất phường, mà nói lộ thiên cơ, thì xin trời đất soi xét, cho được khỏi bệnh, để phường được biết. Hôm ấy lập đàn cầu đảo, ai nấy đều được yên ổn là đúng. Về sau dân phường xin làm việc thần tử.” Cầu xong, từ đó mọi người đều được yên. Từ đó người trong phường cho là đúng như vậy, vô cùng tôn kính vợ chồng họ Lý, cư xử chí tình. Đến khi được trăm ngày, mặt như gương ngọc không bụi, sắc tựa rèm châu đùa trăng, cười như trăm hoa đua nở, mắt tựa sao trời sáng rực. Môi hồng mặt phấn, mắt phượng mày ngài, tiếng nói và sắc đẹp kỳ lạ, không giống người thường. Bấy giờ cha mẹ bèn đặt tên là Châu Nương. Từ đó nuôi nấng, ngày một đẹp hơn. Đến khi 8 tuổi, khí bẩm đẹp đẽ lạ thường, [5b] thiên tư nghiêm túc cẩn thận thông minh. Cha mẹ được phường trại Châu Ái đều tôn kính. Năm ấy, cha mẹ cho vào học với Ngô Đường tiên sinh tại phường Bích Câu Trường An. Học được bốn năm năm, Bách gia chư tử đều tinh thông hết, Ngũ điển tam phần thảy thuộc làu cả. Tài thơ bảy bước thành bài . Bấy giờ tài tử bằng hữu cùng học ở Trường An rất đông, ai cũng đều kinh phục, kính nhường tài năng của nàng. Năm 16 tuổi, bẩm tính anh tài, trí dũng kiêm năng, võ bị thì đánh kiếm, cưỡi ngựa, bắn cung như thần, tuy nói là kẻ nam tử anh tài cũng không theo kịp. Vả lại nữ dung, nữ tắc, hiếu đễ hiền hòa, thân dung ngôn hạnh, tứ đức kiêm toàn, tam tòng thuần nhất . Đến năm 18 tuổi, thì có nhan sắc chim sa cá lặn, trăng mờ hoa thẹn, khuynh thành tuyệt thế. Bấy giờ người trong phường thầm nghĩ tài bẩm dung nhan, tính cách đức hạnh quả là tiên nữ ở Bồng Doanh , [6a] gái đẹp ở Lãng Uyển giáng sinh chốn nhân gian, ắt là thiên tư xuất chúng, mới có anh tài như thế. Người trong các họ không ai không kính phục. Năm ấy cha nàng về quê nhà , không dè đạo trời khiến vậy, đi chơi quê quán, cùng các con trai, mới được mấy tháng, bỗng nhiên qua đời. Thế là Thái bà cùng Châu Nương, hai mẹ con đều cùng về để hành lễ an táng phụ thân. Gia cư điền trạch, đồ đạc gửi lại nhờ phường ấp giữ gìn. Mẹ con về nhà hành lễ an táng phụ thân rất trọn đạo hiếu. Lại nói, bấy giờ phường Võ Trại từ khi mẹ con Châu Nương trở về quê nhà lo việc tang cha đã gần một năm. Bấy giờ Thái tông nhường ngôi cho Thái tử Nhân tông. Năm ấy thiên hạ lắm tai dịch, tật bệnh, người chết vô số, chỉ có người và vật phường Võ Trại đều yên ổn, không có bệnh tật. [6b] Đêm đêm đều mơ thấy Châu Nương ngồi xe loan, binh sĩ đi hai bên, ngồi ở trong nhà, voi ngựa không nhảy chồm (?) . Các đạo ôn binh đến ngõ ấp trong địa phận phường, đều không vào. Người trong phường cùng nghe báo rằng: “Đất có thần nương, thiên đình sai giáng xuống, vốn là con của Đề Lại Thiên vương, Bồ Tát xuất thân, trấn tại đất này. Lính ta không thể nhiễu phạm.” Lời nói chưa dứt, mọi người trong phường ấp bỗng nhiên tỉnh ra, đều biết là mộng, cùng nói: “Điềm mộng đều là một giấc mộng cả.” Ngày đêm nối nhau, chỉ thấy mộng ấy. Mọi người trong phường ấp đều kinh sợ. Từ đó, mọi người càng thêm tin nghiệm. Đến khi được một năm, Thái bà và Châu Nương, hai mẹ con từ quê hươn, lại trở về ngôi nhà quê ngoại phường Võ Trại. Lúc ấy mẹ con Châu Nương mới đến nửa đường. Mọi người phường Võ Trại đều thấy có một con ong sáp trắng bay quanh [7a] nhà của Châu Nương, liền tụ tập đầy ở đó. Đến đêm, người trong phường cùng mơ thấy có quan nhân áo mũ bằng gấm thêu rực rỡ, một đạo binh sĩ về thẳng nhà Châu Nương, truyền báo cho người trong phường. Các họ cùng đến, báo rằng: “Ta là Long thần Chủ tể về báo cho mọi người trong phường biết. Ngày mai Châu Nương thần nữ nắm quyền, về ở đất của dân phường. Dân phường mau quét dọn nhà cửa, để đón nàng. Nếu không làm như vậy sẽ có lỗi.” Đang nói, bỗng tỉnh ra. Bấy giờ mặt trời đã ló, mọi người trong phường đều họp chơi ở quán, ở bên đường ấp giới, cùng nói về mộng ấy, đều cùng giống nhau. Mọi người lấy làm kinh sợ, cùng nói rằng: “Phường ta qua hơn một năm, đều thường mộng mị giống nhau. Việc ắt quả nhiên, không còn nghi ngờ gì nữa. Vả lại xem lúc mới sinh ra đã đã khác với người thường, lại thấy linh ứng như thế. [7b] Việc nhãn tiền, hà tất hỏi thêm ai nữa. Tất như vậy là trời giáng bậc mẫu nghi ở phường ta rồi.” Mọi người cùng nói, hợp với lẽ ấy. Hôm ấy , theo như mộng báo, đều cùng vào nhà nàng quét tước, bày biện. Trong lúc đang quét tước, bỗng thấy mẹ con Châu nương, Thái bà vừa đến. Thái bà, Châu nương liền hỏi người phường rằng: “Nhà cửa nhờ bản phường giữ gìn qua hơn một năm. Trở về quê nhà, ắt […] , hà tất hôm nay bản phường cùng họp lại quét tước là vì sao?” Mọi người bản phường đều kể qua việc lấy làm lạ vì thấy có mộng báo, vì thế bản phường đều đến quét tước, nguyện hành lễ, cùng bầu Châu nương làm Mẫu hậu. Người trong bản phường đều nguyện làm thần tử. Châu nương cười mà nói với bản phường rằng: “Nhà tôi của cải còn chưa đủ, lấy gì mà xứng với bản phường?” [Mọi người] cùng đáp rằng: “Việc ở tại trời, [8a] hà tất hỏi về của cải, nguyện một lòng như thế, không thể thay lời.” Hôm ấy, bản phường hành lễ. Châu nương thấy họ quyết lòng muốn vậy, liền nhận lời. Lại nói, đến khi mãn tang thân phụ, nàng 22 tuổi. Bấy giờ có Trần Thái bảo cũng là hậu duệ nhà Trần, quê ở Chân Định Sơn Nam. Vua cho giữ chức Hoan châu Đô đốc bộ, cũng là kẻ anh tài trí dũng, tự lấy tên là Đàm Tiền. Phu nhân chính thất đã mất. Bấy giờ ông nghe tiếng Châu nương, vốn là người con gái tài giỏi, [là bậc] thánh thần trên đời, hào kiệt trong giới nữ, nhan sắc khuynh thành, tài năng cái thế, tên tuổi nổi tiếng Trường An, tài tử anh hùng đều sợ phục, vả lại, lá thắm làm mối, tài bắn chim tước trên bình phong chưa thể vừa ý. Thư từ qua lại hỏi đáp không đếm xuể theo năm tháng. Vườn xuân sớm khóa kỹ, nhị ngọc đương phong, không tài nào xứng đáng. [8b] Không ngờ việc tại ở trời. Việc định đoạt đều do mối tạo hóa. Bấy giờ quan Thái bảo tự đến hỏi. Quan thư xứng ý, nàng bèn thuận theo. Thái bà liền gả cho. Tiền sính lễ đầy đủ, định ngày. Quan thái bảo đón về phủ Hoan châu làm phu nhân . Từ đó loan phượng xứng ý, tình cầm sắt đậm đà. Nàng thường loan giá về chơi bản phường Võ Trại, nhiều lần cho bản phường vàng bạc của cải, mỗi thứ hàng nghìn, để làm vốn công, sửa sang nơi thờ thần. Châu nương phu nhân tu tạo nhà để làm doanh cư du cung. Việc sở tại đều xong, nàng bèn ủy phó cho bản phường trông coi, liền đem mẹ ra ở Trường An, lập nơi buôn bán vải tơ. Từ đó bản phường mọi người được nhờ cậy rất nhiều.
Lại nói, bấy giờ Trần Nhân tông lên ngôi, quốc gia có quân Nguyên đến xâm phạm, thông với 7 tướng giặc Mông Cổ , [9a] 10 vạn hùng binh chia làm [hai đường] thủy bộ mà đến. Đường thủy từ ven cửa Hải Nam đến cửa biển Thần Phù, sông Bạch Đằng, sông Lục Đầu, sông Hồng, sông Thao, sông Hán, sông Mã, sông Nhĩ, Thiên Đức, tàu thuyền ba nghìn chiếc, đỗ ở đầu sông, không đếm xuể. Các đạo bộ binh voi ngựa tám nghìn, từ Ải Môn tiến thẳng, một đạo châu Hoan, châu Ái, châu Bố Chính, một đạo Sơn Nam men đến châu Xích Đằng, đến phủ Phụng Thiên Trường An. Một đạo từ Cao Bằng đến Tụ Long, Bảo Lạc, Tuyên Quang 16 châu, đến sông Thao. Một đạo Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn, các địa đầu cùng thiết lập đồn doanh, thế như sấm động, chiêng trống kinh trời, cờ xí rợp đất. Thư biên giới báo nguy. Vua bèn chọn tướng tuyển quân, đem quân các đạo ứng chiến. Rồng hổ giao tranh, qua một năm, triều đình [9b] đều thiệt hại, không dám tiến quân. Lại nói, bấy giờ Hoan Châu […] một mặt quan Thái Bảo đốc bộ cùng phu nhân Châu nương mỗi người đem gia thần hơn 1.000 người đều cự chiến. Một hôm, quân Nguyên đánh mạnh, tiến thẳng đến vây bốn mặt thành, chia bày đồn doanh. Bấy giờ Thái bảo bèn nói với Phu nhân Châu nương rằng: “Đàn ông nên xứng với lộc nước, ơn vua. Bề tôi thờ vua cũng như con thờ cha, một lòng tận trung. Đã là chiến sĩ, thì coi cái cái nhẹ như lông hồng. Vận nước nay có quân Nguyên sang xâm phạm. Chịu mệnh vua, cho làm bề tôi ngoài biên ải, thì nhất định là vận mệnh sinh linh một phương đều ở vào ta. Nay không ngờ đến nỗi giặc đông vây thành, ắt không chết giữa dân chúng thì cũng chết giữa triều đình. Nay [10a] đóng cửa, giữ thành cố thủ. Thế giặc như sấm, đợi cả ở bốn phía. Nếu hôm nào đó vua có sai được người giải vây, thì bị hãm lâu ắt cũng chết. Chẳng bằng giao phó thóc lúa trong kho công cho phu nhân giữ vững. Tôi quyết tâm mở cửa thành xuất chiến, thành bại là do trời. Một tiết trung với vua, tuy nói là chết, cũng không hổ thẹn.” Phu nhân theo lệnh chồng, bèn buộc tóc, giả làm trai, thay y phục, truyền mấy trăm lính nữ làm thị nội. Còn những đàn ông khỏe mạnh tổng cộng hơn 1.000 thì phòng ngự ở bên ngoài. Ngay hôm ấy, công đem quân lập tức mở cửa thành, xuất chiến. Quân lính giáp kích bốn mặt. Công đại phá vòng vây, một trận chém được mấy chục thủ cấp. Quân Nguyên kéo đến rất đông, công thấy thế trận như vậy, đứng vững cự chiến, rồi liền kéo quân rút thẳng về Diễn Châu kiên thủ đồn doanh, cáo mộ gia thần nhân dân [10b] để đợi triều đình phụ chiến.
Lại nói, bấy giờ quân Nguyên thấy ông đốc quân ra giải vây, bỏ thành tự lui, thì lập tức truyền các đạo vào cướp lấy quốc khố, để thu vàng bạc của cải, khí giới, thuốc đạn, lương thảo. Thế là Châu nương Phu nhân đều khóa chặt kho lẫm và giàn quân cự chiến, giữ vững quốc khố. Cùng quân Nguyên cự chiến đến một tháng, giữ vững kho lẫm. Qua gần một tháng, quân Nguyên nhiều lần thua, không thể tự phá vào trong kho để cướp lương thực của cải được. Đến khi Thái bảo mộ được mấy nghìn gia thần, lại tiến về thành giải vây, đại chiến quân Nguyên một trận. Phu nhân đem quân ra, cùng đánh, trong ngoài đều đánh, chém được hơn mười Tỳ tướng Nguyên. Đến khi hơn mấy trăm quân lính bắt được 6 con voi của quân Nguyên, thì quân Nguyên lập tức vỡ vòng vây, thua tan, tự rút về. [11a] Vùng đất châu Bố Chính, châu Hoan đều tự yên. Bấy giờ Thái bảo bèn đưa hết voi ngựa, khí giới của quân Nguyên về kinh, dâng biểu tấu lên vua. Vua nghe tin, khen tài Châu nương trí dũng anh hùng, dù cho chí khí của bậc nam tử, mưu lược thao quyền , hùng tài của Quản Trọng , Hàn Bạch cũng không hơn được. Hùng tài thời ấy cũng vô song vậy. Ngay hôm ấy phong vương, cho Châu nương làm Khố nương Công chúa Quản chưởng quốc khố Đại phu nhân.
Lại nói, bấy giờ quân Nguyên cực thịnh, cướp hết Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hưng Hóa, họp đông ở sông Thao. Thế nước ngả nghiêng. Thế là vua sai quan Đề sát Hải Dương nhậm chức Hoan Châu, lập tức triệu Thái bảo cùng Khố nương Phu nhân về nhậm chức ở phủ Phụng Thiên. Phu nhân giữ kho phủ và hơn 3.000 con voi đánh trận mệt mỏi ốm yếu, phó cho Phủ doãn Phụng Thiên nuôi dưỡng.
[11b] Lại nói, bấy giờ Thái bảo cùng Phu nhân, hai vợ chồng phụng mệnh về triều bái yết vua. Vua liền mở yến chúc mừng, bèn thưởng áo mũ, gấm thêu vàng bạc, lại cho riêng đất Võ Trại làm ấp thang mộc . Nơi ở của phu nhân đều miễn binh lương. Tháng ấy vua ban yến tiệc. Vợ chồng vái chúc, rồi vào phủ trị ngay. Từ đó quyền nắm quốc khố, thu phát binh lương. Bấy giờ thường loan giá voi ngựa về phường Võ Trại, ban cho gia thần bản trại vàng bạc tiền vải, mua ruộng ao. Khi ấy phường Võ Trại hiển hách, quý hiển có tiếng, không ai là không được thỏa sống, không vật nào không được nuôi nấng sung sướng, đều được nhờ cậy. Đức của phu nhân thịnh thay.
Lại nói, phu nhân liền truyền báo với bản trại rằng: “Nay thế nước đang bị quân Nguyên xâm phạm, […] . 30 con voi đánh trận mệt mỏi ốm yếu, vua sai giao cho nuôi nấng, [12a] đất sở tại bản trại đều trồng rau cỏ.” Bản trại đều phụng mệnh trồng để nuôi voi. Một hôm , loan giá Phu nhân lại về bản trại. Người trại đều hành lễ vái mừng. Phu nhân xem khắp hình thế, mạch đất trại từ tây bắc chếch bắc chuyển tới hướng tây, đến đồng bằng thì đột ngột nổi cao lên, đều như dây dưa, đúng là thế long toàn ngọa thủy, xoáy chôn ốc, đầm lớn làm minh đường, bên ngoài có tướng tam thai tương ứng, mọi thứ đều chầu . Vùng này gọi là địa khí khu Kim hình, khu Tiền hiền, khu Ngọc khánh, khu Ngọc khánh cù vậy. Phu nhân nhìn khắp, rồi lại về nơi ở trước. Nơi cha mẹ ở quả là cục rốn rồng, tại vùng đất giữa trại. Phu nhân nói : “Cha ta chọn được chính cục tú khí rốn rồng, đất này chung linh mà sinh ra ta vậy.” Hôm ấy truyền cho gia thần bản trại lại dựng nhà [12b] làm nơi cung yến. Bản trại đều phụng mệnh, lập tức chuyển đổi nhà cũ, lại dựng cung yến, mười hôm thì hoàn thành. Phu nhân bèn về cung du yến 3 ngày, truyền cho phụ lão, gia thần bản trại cùng họp dự yến. Trong bữa tiệc, làm một bài thơ rằng:
Võ Trại chi hình đại mạch cường,
Tê long chi hướng tối vi lương.
Cung đình hương hỏa xuân thu tại,
Vạn cổ trường lưu thế thế phương
(Đại mạch Võ Trại rất mạnh,
Hướng Rốn rồng là tốt nhất.
Hương hỏa cung đình còn mãi,
Muôn thuở còn truyền, đời đời ngát thơm).
Phu nhân làm thơ xong, liền bãi tiệc, loan giá trở về phủ thành. Bấy giờ thế giặc ngày một mạnh. Vương bèn triệu quan Thái bảo vào triều cùng Phu nhân, rồi bảo: “Quân Nguyên bất quá ắt sẽ tiến về đến kinh thành trong một sớm một chiều, chi bằng vương thân ngự chiến, phong ngươi làm Tiền quân Dực thánh, Phu nhân vốn phong làm Quản chưởng quốc khố, lại cho quyền kiêm Phụng Thiên doãn sự vụ.” Thái bảo, Phu nhân đều phụng mệnh. Hôm ấy, vua thân ngự soái, thẳng tiến đến nơi giặc đóng ở sông Thao, [13a] bày chia đồn doanh cự chiến. Qua ba bốn tháng, bốn bề lân cận phủ Phụng Thiên kinh thành đều nghe vương bỏ thành, đều khởi loạn, vào thành để cướp quốc khố. Phu nhân bèn xuất quân phòng ngự, giữ vững, bắt được đồ đảng giặc cướp, chém vô số. Tất cả đều kinh phục, không dám xâm phạm. Việc làm loạn đều yên.
Lại nói, bấy giờ vua thân ngự soái. Giặc Nguyên qua hơn ba bốn tháng, đánh mấy chục trận, lúc thắng lúc thua chưa định. Đến một trận ở đầu sông Thao, quân nhà vua đại loạn, giặc Nguyên chém được Tiền quân Dực thánh Thái bảo tại dải sông bên đường đất Dục Mỹ. Vua bèn vào thuyền nhỏ, cùng mấy mệnh thần xuôi dòng chạy thoát.
Lại nói, bấy giờ các đạo tan tác, quay về thành phủ báo tin với Phu nhân rằng Dực thánh Thái bảo công đã mất ở [13b] địa giới lộ Thao Giang . An táng tại […] Vương ra lệnh cùng các mệnh thần chạy thoát. Phu nhân nghe tin, đại kinh, liền than rằng: “Vua băng chồng mất, nước loạn giặc mạnh, ắt không còn gì để trông mong .” Hôm ấy , Phu nhân bèn uống rượu, làm một bài thơ rằng:
Thiên thị sinh ngô nhất nương nhân,
Thả danh ư quốc dữ ư dân.
Tất do bất hủ tài hoa cốt,
Thiên địa trường lưu thế thượng thần.
(Trời sinh ra gái một thân ta,
Tiếng lừng trong nước lẫn trong dân dân.
Ắt bởi tài hoa không phai nhạt,
Trời đất mãi lưu một vị thần).
Phu nhân làm thơ xong, vào thẳng trong kho, lấy một dải khăn đỏ, che mặt rồi hóa . Bèn thấy trong kho lúc đang hóa, có tiếng hò hét như sấm rền, trời đất tối tăm, cuồng phong nổi lên. Gia thần thấy thế , lập tức tràn vào trong kho để xem, bèn thấy Phu nhân khăn đỏ che mặt tự hóa. Các gia thần đều dìu Phu nhân xuống giường dưới để chôn (?). Mới đặt xuống dưới giường, bỗng thấy một làn gió lớn thổi vào Phu nhân. [14a] Mọi người đều thấy tối tăm, giữa ban ngày mà như đêm, lại thấy một dải khăn đỏ, một đôi hài phượng bay múa trên không rồi đi. Gió mưa đều ngưng, trời đất tạnh sáng, bèn thấy mối đã đùn kín thân thể Phu nhân rồi. Gia thần, nữ tốt, binh sĩ thấy vậy, đều kinh sợ, bàng hoàng, khoá chặt quốc khố, chạy ra, bèn thấy chiếc khăn đỏ và đôi hài phượng đã bay đi nơi nào. Gia thần đều đuổi theo đến dưới xứ có tên là khu Kim hình ở giới Võ Trại, đặt ở giữa khu. Gia thần bản trại đều ào đến nói rằng: “Việc này kỳ dị”. Hôm ấy hành lễ, an táng hài và khăn đỏ tại xứ ấy để làm cấm địa xứ lăng.
Lại nói, từ đó triều đình các đạo lãnh nhận binh quyền đểu hành lễ với Phu nhân rồi mới dám mở kho tiền lương. Nếu không hành lễ mà tự mở kho ra lấy, [14b] thì có con rắn lớn thân ngũ sắc cuộn ở trong cửa kho. Mọi người đều không dám tự vào, cho là linh ứng, kỳ dị. Đến khi Nhân tông cùng Thượng tướng Trần Quốc Tuấn Hưng Đạo Đại vương đại hội, công phá giặc Nguyên một trận tại đất Đông [Bộ] Đầu, quân Nguyên tan, bắt được 7 tướng, chém cả. Còn lại đuổi chém tướng binh sĩ vô số, thảy đều quét hết. Vua bèn loan giá về điện phủ kinh thành, khao hưởng tướng sĩ, khao thưởng, úy lạo tam quân, phong thưởng công thần. [Dân địa phương] lập tức dâng tấu lên vua rằng: Khố nương Phu nhân tự tận ở trong kho, hóa rồi. Trời đất tối tăm, hài phượng cuốn lên không đi về đến gò hình […] phường Võ Trại. Gia thần sở tại tự táng, còn thân thể trong kho đều bị mối đùn kín. Từ khi hóa, linh ứng, kỳ dị, biến hiện vô cùng. Vua nghe, [15a] rất thương bậc anh tài trong giới nữ. Nước có giặc lớn nguy cấp, mà kho lẫm quốc gia giữ gìn vũng chắc, quân giặc không xâm phạm được, vững như vàng đá. Đến khi nghe tin vua băng chồng mất, mà tự hóa, đến nỗi anh linh kỳ dị, cũng là việc vận nước lúc chí nguy thì trời lại giáng bậc thánh nữ xuống để bảo vệ quốc gia. Ấy là có công lớn với nước, trẫm nên phong làm Chủ khố Phu nhân, truyền vào trong kho lập đền để quốc triều thờ cúng. Truyền cho phường Võ Trại đều tu sửa trong cung, để phụng thờ, […] làm đền chính sở tại, còn Hoan Châu, Quỳnh Lưu, Ngọc Sơn, Đông Thành cũng cùng sở tại, đều lập đền miếu để phụng thờ. Còn các nơi gia thần thiên hạ đều cùng truyền lập miếu phụng thờ, tổng cộng 22 nơi phụng thờ, hương hỏa mãi cùng với đất nước, đều còn đến vô cùng. Vua bèn [15b] bao phong mỹ tự.
Phong Anh linh Hiển ứng Khố nương Công chúa Chúa khố Đại vương Phu nhân Thánh mẫu, cho phường Võ Trại làm hộ nhi sở tại và miễn binh lương. Xuân thu .
Lại nói, từ hoàng đế Nhân tông triều Trần đến cuối đời Trấn, họ Hồ tranh quyền, nhà Minh làm loạn . Báy giờ có Lê Lợi ở Lam Sơn huyện Lương Giang phủ Thuận Thiên châu Ái đại khởi 3.000 hổ lữ Lam Sơn, tiễu trừ họ Hồ, bình định người Minh. Hoàng đế tại Lam Sơn (?) , niên hiệu Thuận [Thiên] , trải đến Chiêu tông, đại thần họ Mạc tiếm vị, cha con truyền nối 5 đời làm vua. Bề tôi Trang tông nhà Lê khởi nghĩa, diệt Mạc. Từ đó nhà Lê lại nối vận nước . Từ Trần đến Lê hậu, đều được nước và dân cầu đảo. [16a] Cầu gió được gió, cầu mưa được mưa, rất có linh ứng, vì vậy, đế vương nhiều triều bao phong mỹ tự, hương hỏa vô cùng, cùng thọ với nước nhà, mãi thành lệ thường. Đế vương các đời đều bao phong mỹ tự là Chúa khố Phu nhân Anh linh Hiển ứng Ý hạnh Từ nhân Huệ hòa Trang thận Yểu điệu Phương phi Thiện đức Tộ quốc An dân Hoằng phúc Đoan trang Nghiêm túc Trinh thục Hoằng nhân Thánh mẫu Phu nhân Tối linh.
Ngày sinh ngày hóa của thần và các tiết khánh hạ phụng khai như sau:
Ngày sinh thần 12 tháng 2 .
[16b] Ngày thần hóa 20 tháng 7 .
Ngày mùng 6 tháng giêng .
Khánh hạ ngày mùng 2, ngày mùng 10 tháng 5 .
Khánh hạ thưởng Xuân quan tế .
Khánh hạ ngày 12 tháng 8, ngày mùng 10 tháng 10 .
Các tiệc Thánh phụ Thánh mẫu đều cùng đến.
Tên húy Châu, Khố tuyệt đối cấm. Húy cha mẹ là Tường, Tích, Nội cũng cấm. Cấm mặc quần áo màu vàng tía hành lễ .
[17a] Ngày mùng 10 tháng giêng năm Hồng Phúc nguyên niên, phụng chép thần tích chính bản.
TS. Đào Phương Chi (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) dịch
Nguồn: Hoàn Long Giảng Võ trại thần tích (Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu AE.a2/19).